AON (Active Optical Network) và PON (Passive Optical Network) là hai hệ thống cho phép cáp quang truyền dữ liệu bằng ánh sáng, dùng trong mạng FTTH. Vậy, hai hệ thống này khác gì nhau và sử dụng trong trường hợp nào?
Trước khi so sánh AON và PON, bạn cần hiểu được chúng là gì.
AON (Active Optical Network) hay còn gọi mạng quang chủ động là một cấu trúc mạng point-to-point (điểm tới điểm), mỗi người dùng được kết nối một đường cáp quang riêng biệt nên băng thông trong mỗi cổng được dành riêng cho từng cá nhân mà không cần chia sẻ với người dùng khác. Mạng AON yêu cầu sử dụng thiết bị chuyển mạch chạy bằng điện để quản lý phân phối tín hiệu và điều hướng tín hiệu đến từng khách hàng cụ thể.
Người dùng có thể lựa chọn phần cứng có tốc độ truyền dữ liệu thích hợp và mở rộng quy mô mạng khi nhu cầu tăng lên mà không cần phải cấu trúc lại mạng. Hãy xem mô hình mạng AON bên dưới để dễ hình dung hơn.
PON (Passive Optical Network) hay còn gọi mạng quang thụ động là một cấu trúc mạng point to multipoint (điểm tới đa điểm), trong đó bộ chia quang thụ động được sử dụng để tách và thu tín hiệu quang. Các bộ chia quang cho phép mạng PON phục vụ nhiều người dùng bằng một sợi quang duy nhất mà không cần triển khai các sợi riêng lẻ giữa hub và người dùng cuối. Như vậy, người dùng sẽ chia sẻ băng thông với nhau.
Mạng PON không sử dụng thiết bị chuyển mạch chạy bằng điện mà dùng bộ chia quang để định hướng tín hiệu, nên chỉ cần thiết bị được cấp điện ở đầu nhận của mạng. Hãy xem hình bên dưới để hình dung về mạng PON.
AON sử dụng cấu trúc mạng point-to-point (điểm tới điểm), tức là một điểm phát dữ liệu chỉ có một điểm nhận. Còn PON sử dụng cấu trúc mạng point to multipoint (điểm tới đa điểm), tức là một điểm phát sẽ có nhiều điểm nhận đồng thời dữ liệu đó.
Khi so sánh AON và PON, sự khác biệt chính giữa chúng là cách phân phối tín hiệu quang đến từng người dùng trong hệ thống FTTH. Trong hệ thống AON, người dùng được kết nối bằng một sợi cáp quang chuyên dụng, cho phép họ sử dụng băng thông riêng, không cần chia sẻ với người khác. Trong khi ở hệ thống PON, người dùng chia sẻ các sợi cáp quang cho một phần trong mạng. Do đó, những người dùng trong mạng PON có thể cảm nhận được hệ thống của họ chậm hơn, bởi tất cả đều chia sẻ băng thông với nhau.
Nếu có sự cố xảy ra trong hệ thống AON, sẽ rất dễ dàng để phát hiện ra lỗi và khắc phục vì băng thông dành riêng cho từng cá nhân. Ngược lại, sẽ khó khăn hơn để tìm ra nguồn gốc của vấn đề trong hệ thống PON bởi băng thông được chia sẻ với rất nhiều người dùng.
Chi phí lớn nhất trong một mạng thường là chi phí cấp nguồn cho thiết bị và bảo trì. So với mạng AON là mạng được cấp nguồn, PON sử dụng các thành phần thụ động ít yêu cầu bảo trì hơn và không cần nguồn. Vì vậy, khi so sánh AON và PON về chi phí, triển khai mạng PON sẽ ít tốn kém hơn mạng AON.
AON cung cấp phạm vi phủ sóng lên tới 90 km, trong khi PON thường bị giới hạn bởi các tuyến cáp quang trong phạm vi 20 km. Điều này có nghĩa là người dùng trong mạng PON phải ở gần tín hiệu gốc hơn về mặt địa lý so với mạng AON.
Như vậy, để biết 2 mạng AON và PON ứng dụng tốt nhất trong trường hợp nào, cần xem xét các yếu tố về khoảng cách phủ sóng, nhu cầu băng thông của người dùng, chi phí đầu tư cho dự án, cân nhắc ưu/nhược điểm của từng loại… để đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất.
Bình luận bài viết