AMF là viết tắt của Autonomous Management Framework, là một nền tảng quản lý mạng có thể mở rộng. Nó hỗ trợ Thiết bị chuyển mạch, tường lửa, các sản phẩm không dây của Allied Telesis và nhiều loại thiết bị của bên thứ ba như camera giám sát, điện thoại IP để tự động hóa mạng toàn diện. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn 5 tính năng chính của AMF.
Tính năng quản lý tập trung cho phép chạy các lệnh CLI trên nhiều thiết bị cùng 1 lúc. Các lệnh chỉ đưa ra một lần, AMF đảm bảo các thiết bị đều nhận được lệnh và tiến hành xử lý. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và giảm nguy cơ xảy ra lỗi khi cần thay đổi cấu hình trên một số thiết bị. Mọi thay đổi về cấu hình, yêu cầu giám sát hoặc gỡ lỗi của network có thể được thực hiện cho một, nhiều hoặc tất cả các thiết bị chỉ bằng một lệnh duy nhất.
Nếu như việc này trước đây mất 2 giờ, thì hiện nay có thể được thực hiện chỉ trong 10 phút nhờ tính năng quản lý tập trung của công cụ Autonomous Management Framework (AMF).
Ngoài ra, Allied Telesis còn tích hợp tính năng Vista Manager EX giúp quản lý bằng giao diện đồ họa trực quan và AMF Cloud giúp quản lý dựa trên Cloud. Như vậy, các bạn có thể quản lý toàn bộ mạng từ xa, mọi lúc mọi nơi chỉ bằng một giao diện điều khiển trực quan, dễ dàng và đơn giản, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.
Tính năng tự động sao lưu giúp làm giảm rủi ro khi xảy ra sai sót bằng cách tự động quản lý cấu hình cho tất cả các thiết bị trong network. Hàng ngày, AMF tự động sao lưu các cấu hình và firmware cho toàn network và lưu vào thư viện trung tâm, thư viện này có thể được đặt trên thiết bị Master, trên máy chủ hoặc trên nền tảng đám mây với AMF Cloud. Các bản sao lưu cũng có thể được tạo thủ công nếu muốn.
Dữ liệu được cập nhật mỗi ngày luôn có sẵn cho tất cả các thiết bị để sử dụng khi cần thiết, chẳng hạn như 1 thiết bị xảy ra lỗi, thì đã có sẵn bản sao lưu dữ liệu để thay thế và phục hồi. Đây là cơ sở để công cụ Autonomous Management Framework (AMF) cung cấp thêm 1 tính năng hữu ích nữa: Auto-Recovery.
Giờ đây, các bạn có thể thay thế một thiết bị xảy ra lỗi rất dễ dàng với tính năng tự động phục hồi của AMF. Thiết bị thay thế không cần phải cài đặt cấu hình mà chỉ cần kết nối vật lý với mạng. Ngay sau khi thiết bị được khởi động thì sẽ tự động được cài đặt bằng bản sao lưu dữ liệu mới nhất của nó.
Như vậy, thay vì phải dành thời gian và công sức để cài đặt cấu hình cho thiết bị mới, các bạn chỉ cần một cú click chuột trên giao diện điều khiển online là xong, rất tiện lợi.
Việc nâng cấp Firmware có thể được triển khai cho các nhóm thiết bị hoặc toàn bộ mạng AMF một cách nhanh chóng và dễ dàng nhờ tính năng tự động nâng cấp. Các bạn chỉ cần chọn nhóm thiết bị cần nâng cấp, sau đó đưa ra các lệnh CLI để tải bản phát hành Firmware mới. Mỗi thiết bị trong nhóm sẽ tải xuống các tệp để chuẩn bị khởi động lại.
Thay vì phải khởi động lại tất cả các thiết bị trong nhóm cùng một lúc, làm ảnh hưởng đến khả năng kết nối mạng, Autonomous Management Framework (AMF) giúp các bạn có thể khởi động lại thiết bị tại thời điểm phù hợp, theo lịch đã chọn, không ảnh hưởng đến hiệu suất kết nối mạng trong suốt quá trình nâng cấp Firmware.
Tính năng này cho phép các thiết bị khi kết nối vào hệ thống mạng sử dụng ngay bộ cấu hình do đã cài đặt từ trước, giúp triển khai mở rộng hệ thống một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, nếu một thiết bị mới chưa được cấp phép trước thì AMF sẽ cô lập thiết bị đó cho đến khi nó được định cấu hình thành công. Điều này có thể được quản lý tự động hoặc quản lý thủ công theo ý muốn của các bạn.
Trên đây là 5 tính năng chính vô cùng hữu ích của Autonomous Management Framework (AMF) giúp công cụ này có khả năng quản lý mạnh mẽ, tiện lợi, cho phép kết nối mạng plug-and-play (cắm vào là chạy), tự động cấp phép, sao lưu, phục hồi, nâng cấp và quản lý tập trung giúp kỹ sư quản lý mạng đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng.
Hy vọng bài viết này có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về tính năng và sự hiệu quả của AMF, nếu có ý kiến đóng góp thêm hay cần mình giải đáp vấn đề gì, các bạn comment bên dưới để mình trả lời và cùng giao lưu học hỏi lẫn nhau nhé.
Bình luận bài viết